Huyền tích bên nồi bánh đêm giao thừa
Quanh nồi bánh tét của ông đã cho tôi biết bao nhiêu hành trang để bước vào đời, từ ngọn lửa reo vui đến hương lá thơm lừng và những câu chuyện huyền thoại mà ông kể...
Qua đò Giao Thủy, dòng sông đỏ ngầu, ông không nói gì chỉ dõi đôi mắt buồn bã nhìn lại quê hương. “Màu đỏ của dòng sông là huyết rồng” - Tôi còn nhớ mỗi lần lẽo đẽo theo ông cắt bổi, ông thường kể câu chuyện truyền thuyết về dòng sông.
Sau này lớn lên mới biết đó là phù sa chứ chẳng phải máu rồng. Nhưng tôi thích các truyền thuyết qua các câu chuyện của ông, của cậu. Đời tôi từ nhỏ gặp nhiều bất hạnh nhưng may mắn được sống trong không gian đầy truyền thuyết. Cuộc đời sẽ buồn biết bao nhiêu nếu con người chỉ có vật chất mà thiếu đi những truyền thuyết để nuôi dưỡng tâm hồn…
Những câu chuyện ông kể làm cho tâm hồn tôi trở nên phong phú, tôi luôn nhớ những câu chuyện ông kể bên nồi bánh tét đêm giao thừa.
Tôi sinh ra tại thôn A Đông (bây giờ là thôn Nhuận Sơn), xã Duy Phú, Duy Xuyên, vùng đất sắt bên tháp Chàm Mỹ Sơn - một trong hai di sản văn hóa của Quảng Nam, đó là miền quê nghèo không có phù sa. Ông tôi kể cụ tiền hiền chọn vùng đất cao này để tránh lụt lội, nhưng không bị lụt lội thì không có phù sa, nên đất đai cằn cỗi.
Quê hương chỗ nào đẹp thường nghèo, thiên nhiên trớ trêu như vậy, nên nơi tôi ở rất đẹp nhưng vun vồng khoai lang muốn kiếm cái củ phải tốn cả hai ba gánh bổi. Cũng may là cây năng sầm, sim, mua, đuôi diều mọc đầy dưới chân tháp, chặt về bỏ chuồng trâu rồi mang ra gò trồng khoai, trồng sắn. Quê nghèo nhưng bù lại được vây bọc vô số huyền thoại và tôi lớn lên trong không gian huyền thoại bên nồi bánh tét.
Bây giờ tôi tin một cách chắc chắn rằng “Vùng đất nghèo nhất chính là vùng đất không có một manh huyền thoại, chứ không phải vì thiếu lúa gạo”. Quê nghèo nhưng nhà nào cũng chừa ra mảnh ruộng tốt nhất trồng vạt nếp để dành tết nấu nồi bánh tét. Giá trị của nồi bánh tét không chỉ là những đòn bánh được vớt ra sau khi nấu chín, mà giá trị của nó nằm ở chỗ những đứa trẻ ngồi bên ngọn lửa reo vui, mang lại không khí ấm áp của đêm trừ tịch lạnh giá, háo hức không phải chỉ là chờ đợi những đòn bánh nhỏ xíu mà người lớn gói riêng cho mình, mà háo hức bởi những câu chuyện của người lớn bên nồi bánh.
Đối với tôi ngày ấy, sự háo hức bởi bên ngọn lửa ấy ông tôi kể cho tôi nghe những câu chuyện, những huyền thoại về quê hương. Từ ngày 28 Tết, ông sai cậu tôi và tôi đi rọc lá chuối, chúng tôi chọn những tàu lá xanh của cây chuối hột mà quê tôi gọi là chuối sứ, rọc kỹ giữ cho tàu lá còn những mảng lớn, còn ông thì chặt tre chẻ lạt, những sợi lạt mềm mại đúng như câu “lạt mềm buộc chặt” còn bà tôi thì ngâm nếp, đãi đậu, đi chia thịt heo của làng xóm, xâu thịt bằng lạt chứ không phải đựng bao nilon như bây giờ.
Ngày ấy, trao đổi với hàng xóm qua hàng rào dâm bụt, cái hàng rào đầy tình nghĩa và lòng tin vào con người, cái hàng rào xanh chỉ ngang thắt lưng chỉ để phân chứ không để ngăn. Bây giờ ngồi nhìn hàng rào cao vút nhà mình tôi thấy chạnh lòng lắm, sao bây giờ thời bình cơm no áo ấm mà con người nghi kỵ nhau như vậy! Buồn! Thôi không lan man chuyện ấy nữa, quay về với nồi bánh tét, những đòn bánh dài hai gang tay tròn vành vạnh được ông tôi sắp vào cái thùng lớn bắc sẵn trên bếp kê ngoài sân, phía trên đặt mấy đòn bánh nhỏ và chùm bánh ú ông gói sẵn cho lũ trẻ.
Trong nồi bánh tét của ông luôn có mấy đòn bánh tét, mấy xâu bánh, trước giờ giao thừa mấy chùm bánh này chín trước, ông vớt ra đặt trên cái bàn tre trước sân, nghiêm cẩn hướng về tháp Chàm lầm rầm khấn: “Cung thỉnh chư vị bổn xứ thành hoàng thổ địa, phước đức chánh thần, đương niên thái tuế, chí đức tôn thần, hành khiển hành binh tôn thần… chư vị Chăm, Chợ, Mọi, Rợ, Chủ ngung man nương đồng lai phụng hưởng…”.
Xong tuần hương ông bóc bánh cho chúng tôi ăn, miếng bánh ngon nhất trần đời đối với lũ trẻ quê. Nhìn chúng tôi ăn, ông giải thích: Chăm, chợ, mọi, rợ là các cô hồn người Chăm, người Việt và người Thượng, còn Chủ ngung man nương là bà công chúa được vua Việt gả cho vua Chăm khi chết được phong thần làm chủ đất phương Nam, là chủ các cô hồn được dân chúng cúng tế hàng năm.
Sau này lớn lên, một người bạn Chăm nói rằng Chủ ngung man nương chính là nữ thần Po-ga-nư - cũng người Chăm, còn chuyện công chúa do người Việt tạo nên thôi. Nhưng mà thôi, chuyện hôm qua đã thành tích cũ, biết ai đúng ai sai mà tranh luận.
Thỏa cơn đói, chúng tôi lại ngồi quanh nồi bánh hóng chuyện của ông. Thuở ấy không ti-vi, không sách báo, kiến thức duy nhất mà tôi nhận được là những câu chuyện kể từ ông. Trong số những câu chuyện của ông, tôi nhớ nhất là câu chuyện các cụ tiền hiền di dân vào lập ấp đàng trong đã nghĩ ra cái bánh tét thay cho cái bánh chưng ngoài Bắc. Vì cái bánh chưng khi mở ra phải ăn hết không thể mang theo đi tiếp, các cụ bèn nghĩ ra cái bánh tét có thể ăn một khúc rồi cuộn lại mang theo đi tiếp để ăn dọc đường, và từ đó cái bánh tét trở thành một món ăn đặc trưng của đàng trong.
Ông nói có lý đến nỗi mãi sau này khi đã lớn khôn, tôi nghe một vị giáo sư sử học nói trên truyền hình là cái bánh tét có nguồn gốc từ miền Bắc, người Bắc gọi là cái bánh chưng dài, nhưng ông giáo sư không giải thích vì sao người Bắc đã có bánh chưng rồi còn làm bánh chưng dài chi nữa.
Vì vậy, tôi tin ông tôi và tôi đoan quyết cái bánh tét chính là một sản phẩm độc đáo của di dân trong hành trình về phương Nam, một biểu tượng cho nền văn hóa khai khẩn. Sự thay đổi văn hóa từ cung đình qua khai khẩn thì việc thay đổi đầu tiên là văn hóa ẩm thực, từ bánh chưng sang cái bánh tét, từ cái kiểu ăn gỏi cá cầu kỳ mà rau được thái chỉ ở ngoài Bắc chuyển qua lá rừng để nguyên cuốn cá sống ăn rào rào của kiểu miền Nam…
Quanh nồi bánh tét của ông đã cho tôi biết bao nhiêu hành trang để bước vào đời, từ ngọn lửa reo vui đến hương lá thơm lừng và những câu chuyện huyền thoại mà ông kể. Tôi trở thành kẻ “giàu có”, sau này sợ hành trang của các con nghèo nàn nên năm nào nhà tôi cũng gói bánh và nấu bánh, dù siêu thị và chợ bán đủ loại bánh cho ngày tết…
Nhà văn Nguyễn Một